
HANG LÁNG
bản Lác của xã Chiềng Châu
Giới thiệu
Hang nằm trong địa phận bản Lác của xã Chiềng Châu, từ xưa tới nay nhân dân địa phương vẫn quen gọi là hang Láng.
Hang nằm trong sườn phía Tây của dãy núi đá Pù Cha Luông.
Núi Pù Cha Luông phía Tây giáp thung lũng Pò Hẻm; phía Đông và Nam giáp cánh đồng lúa xã Chiềng Châu; phía Bắc giáp khu dân cư bản Lác, xã Chiềng Châu.
Theo sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX", xã Chiềng Châu lúc đó thuộc trấn Hưng Hoá, châu Mai Châu, động Mai Hạ.
Năm 1886 thời Pháp thuộc, trấn Hưng Hoá và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hoà Bình. Huyện Mai Châu và Đà Bắc hợp nhất thành châu Mai Đà.
Năm 1957 tách châu Mai Đà thành hai huyện Mai Châu và Đà Bắc. Xã Chiềng Châu thuộc huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình.
Năm 1991 tỉnh Hà Sơn Bình tách thành hai tỉnh Hoà Bình và Hà Tây, huyện Mai Châu thuộc tỉnh Hoà Bình.
Hang Láng được phát hiện vào tháng 10/1976, trong đợt điều tra thám sát một số hang động nằm trong các dãy núi đá vôi huyện Mai Châu, do các nhà khoa học Đặng Hữu Lưu, Nguyễn Văn Bình (Viện Khảo cổ) và Khà Văn Tiến - nguyên Trưởng phòng Văn hoá huyện Mai Châu.
Qua quá trình thám sát, nghiên cứu hang Láng, các nhà khoa học đã tìm thấy sự cấu tạo của tầng văn hoá và chủng loại hiện vật mang đặc trưng của Văn hoá Hoà Bình. Điều đó chứng tỏ đây là một di chỉ cư trú của người nguyên thuỷ.
Di tích hang Láng nằm trong lòng núi Pù Cha Luông, ở độ cao 30m so với chân núi.
Hang thoáng đãng, cửa quay hướng Tây Bắc, cao 2,5m; rộng 2,7m. Hang ăn sâu khoảng hơn 30m, rộng 7m, vòm trần cao hơn 4m. Hang ăn sâu theo hình vòng cung, thông ra ngoài bởi một ngách nhỏ. Nền hang được cấu tạo bởi một lớp vỏ ốc dày lẫn với đất xốp màu nâu sẫm, mặt hang bị phủ nhiều tảng đá lớn nhỏ từ nóc hang rơi xuống. Ở một góc nền hang bị xáo trộn do nhân dân đào bới lấy phân dơi.
Phần hang được chiếu sáng tự nhiên kéo dài 15m, dấu tích của tầng văn hoá và hiện vật đá trải dài hết phần chiếu sáng trong hang.
Cách hang chừng 500m có một con suối nhỏ, trong suối có nhiều đá cuội, là nơi cung cấp nguyên liệu để người nguyên thuỷ chế tác công cụ.
Tầng văn hoá ở đây cũng giống như các địa điểm khác của Văn hoá Hoà Bình: cũng là loại đất sét vôi cùng các vỏ nhuyễn thể như vỏ ốc, vỏ trai, ốc núi… tạo thành. Tầng văn hoá trải dài hết phần chiếu sáng tự nhiên của hang (dài tới 15m). Một số lượng lớn vỏ các loài trai ốc chồng chất trải dài hầu hết bị đập vỡ hoặc bị chặt đít. Đó là nguồn thức ăn dễ kiếm và rất quan trọng của người nguyên thuỷ ở đây.
Di vật khảo cổ thu thập được ở đây chủ yếu là di vật đá và hai mảnh gốm thô.
Những loại hình công cụ bằng đá phát hiện ở đây căn bản không có gì khác với các loại hình công cụ ở các di tích khác của Văn hoá Hoà Bình: như công cụ hình hạnh nhân, công cụ hình đĩa, công cụ chày, công cụ rìa rọc, rìu ngắn… Những công cụ này chủ yếu thuộc loại hình Sumatra, nghĩa là những hòn cuội được nghè đẽo một mặt, một mặt còn giữ nguyên vỏ tự nhiên của đá cuội. Sự tiết kiệm việc ghè đẽo đá là một đặc điểm của kỹ thuật Hoà Bình. Công cụ đá ở đây hầu hết được chế tạo bằng loại đá cuội có rất nhiều ở dòng suối quanh đấy, như loại diabase, basalte, đá cát, đá trầm tích sắt, đá cacbonat.
Xét về các mặt, công cụ đá ở hang Láng có đầy đủ những đặc trưng của loại hình công cụ thuộc nền Văn hoá Hoà Bình bao gồm:
- Công cụ ghè đập:
Loại công cụ này ở hang Láng có hình dáng và kích thước rất phức tạp. Một số chiếc có kích thước khá lớn và trọng lượng khá nặng, phần nhiều có kích thước trung bình và nhỏ.
Chúng hầu hết là những hòn đá cuội có hình dáng và quy mô khác nhau, một số được đẽo ở đầu, một số được đẽo ở hai đầu, một số được đẽo quanh rìa cạnh, phần còn lại được giữ nguyên hình dáng tự nhiên vừa tay cầm, có trọng lượng cần thiết, vết chế tác thô và rất ít.
- Công cụ 1/2 và 1/4 hòn cuội:
Hai loại công cụ này đựơc tìm thấy khá nhiều ở hang Láng chiếm tới 18% tổng số hiện vật đã phát hiện. Đây là những công cụ được làm từ 1/2 hay 1/4 viên cuội có kích thước nhỏ và trung bình. Tay cầm giữ nguyên vỏ cuội tự nhiên, rìa tác dụng được ghè đẽo qua loa ở mặt ngang của viên cuội. Đây là những công cụ có lẽ được sử dụng vào những công việc không đòi hỏi phải dùng đến những công cụ chặt được chế tác hoàn chỉnh.
- Công cụ chày nghiền:
Mặc dù chiếm số lượng không lớn nhưng 3 chiếc chày nghiền ở đây rất tiêu biểu cho loại công cụ chày nghiền của Văn hoá Hoà Bình. Đây là những hòn đá cuội có hình gần như khôi trụ hoặc hình chóp cụt có vết mòn nhẵn ở một đầu, một số vết còn có vết tày lỗ chỗ ở đầu hoặc ở thân, Có lẽ, đây là những chày nghiền dùng để nghiền hạt, nghiền bột lấy từ vỏ cây và còn có thể dùng để nghiền thổ hoàng. Những vết tày nham nhở, lỗ chỗ ở đầu hoặc ở thân cho thấy có thể nó được dùng để giã hoặc đập.
- Công cụ nạo lưỡi dài (công cụ múi bưởi):
Là những công cụ được chế tác từ 1/2 hoặc 1/4 hòn cuội bổ theo chiều dọc, rìa tác dụng được ghè đẽo thô, vết chế tác ít.
- Công cụ hình đĩa:
Đây là những mảnh cuội hoặc những hòn cuội dẹt được ghè đẽo từ một hòn cuội ra theo chiều ngang, một mặt giữ nguyên vỏ tự nhiên hơi phồng lên theo hình dáng của hòn cuội, một mặt được ghè đẽo những nhát lớn làm cho mặt này tương đối bằng. Cũng có chiếc được ghè những nhát nhỏ từ xung quanh vào nên mặt cũng hơi phồng. Xung quanh rìa công cụ này được ghè và tu chỉnh những vết nhỏ làm thành bờ đốc tạo nên rìa tác dụng tương đối sắc, phần dốc cầm cũng được ghè nhưng độ dốc nhiều hơn phần tác dụng. Những công cụ hình đĩa đều có hình dáng tương đối tròn hoặc hình hơi bầu dục.
- Công cụ hình hạnh nhân:
Là những mảnh cuội được ghè từ một hòn cuội ra hoặc là những hòn cuội dẹt ghè sửa thành hình hạnh nhân, một mặt còn giữ nguyên vỏ tự nhiên, một mặt được ghè đẽo từ rìa vào, rìa tác dụng được tu sửa thành bờ đốc nên khá sắc, phần đốc thường để nguyên hoặc ghè đẽo qua loa cho thích hợp với việc cầm tay. Cũng có chiếc ở rìa tác dụng được tu sửa ở cả hai mặt.
Những công cụ hình hạnh nhân đều tương đối dày, có hình dáng hạnh nhân như vậy là bởi vì nó được ghè một mảnh theo chiều dọc của hòn cuội.
- Rìu ngắn:
Đây là những hòn cuội dẹt được đập gạy đôi, được ghè đẽo và tu chỉnh xung quanh làm thành lưỡi, phần đốc bằng phẳng do nhát đạp gãy ngang viên cuội.
- Rìu dài:
Là những hòn cuội mỏng dẹt mà 2 mặt còn giữ nguyên vỏ tự nhiên của đá cuội hoặc là những hòn cuội dày, ở một mặt được ghè đẽo làm cho thân rìu mỏng dần xuống phía lưỡi. Loại rìu này có phần đốc tương đối rõ rệt, phần lưỡi cùng được ghè đẽo và tu chỉnh cho lưỡi tương đối sắc.
- Mảnh tước:
Là những mảnh to nhỏ khác nhau được tách ra trong quá trình chế tác công cụ. Một số là mảnh tước tách lần I, một số thuộc loại tách lần II, không thấy dấu vết gia công hoặc sử dụng.
- Phế liệu:
Trong quá trình nghiên cứu tìm kiếm công cụ, các nhà khoa học phát hiện thấy khá nhiều những mảnh, mẩu cuội hình dáng không xác định không có vết gia công, chỉ có những vết đập bẻ để tách. Đây chính là nguyên liệu thừa trong quá trình chế tác công cụ.
Việc phát hiện ra số lượng mảnh tước và phế liệu tương đối lớn chiếm 30% trong tổng số hiện vật đã phát hiện, là một tư liệu rất quan trọng. Từ nguồn tư liệu này ta có thể thấy rằng đây không chỉ là một di chỉ cư trú đơn thuần của người nguyên thuỷ mà đây còn là xưởng chế tác công cụ của người nguyên thuỷ trong văn hoá Hoà Bình.
- Mảnh gốm thô:
Về chất liệu được chế tác từ một loại đất pha cát mịn và thô, màu đen, trên mặt ngoài thấy văn thừng rất rõ, có lẽ chúng xuất hiện vào giai đoạn muộn hơn so với niên đại của những công cụ tìm được.
Sau khi xem xét và nghiên cứu thì chúng ta có thể xếp niên đại của địa điểm hang Láng vào trong giai đoạn từ 15 đến 7 ngàn năm cách ngày nay.
Hiện vật
Bản đồ
Địa điểm xung quanh