HANG KHOÀI
xóm Sun, xã Xăm Khoè, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.
Giới thiệu
Hang Khoài thuộc địa phận xóm Sun, xã Xăm Khoè, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.
Hang nằm ở quả núi cùng tên - núi Khoài. Đây là một quả núi đứng độc lập, riêng rẽ ở giữa thung lũng xã Xăm Khoè. Quả núi này trông xa tựa như con trâu đang ung dung gặm cỏ, có lẽ vì thế người Thái ở Mai Châu gọi là núi Khoài (núi trâu).
Núi Khoài thuộc dạng núi đá vôi, đứng độc lập, riêng rẽ trong thung lũng hẹp của xã Xum Khoè. Xung quanh núi Khoài hiện có 6 hang động. Trong đó 4 hang còn giữ lại những di cột động vật hoá thạch có tuổi hậu kỳ cánh tân (Pleistocene). Hai hang khác có dấu vết cư trú của cư dân thời đại đá. Hang Khoài trên thuộc niên đại đá mới. Hang Khoài dưới có niên đại cuối hậu kỳ đá cũ.
Năm 1983, hang Khoài được các cán bộ Viện Khảo cổ phát hiện và đào thám sát.
Tháng 12 năm 1984, Viện Khảo cổ kết hợp với Sở Văn hoá Thông tin Hà Sơn Bình khai quật di chỉ hang Khoài với diện tích 25m2.
Kết quả khai quật năm 1984 cho thấy, di tích hang Khoài vừa là nơi cư trú, vừa là xưởng chế tác công cụ của cư dân Văn hoá Hoà Bình và là mộ táng của cư dân Hoà Bình ở giai đoạn muộn hơn.
Niên đại di chỉ hang Khoài khoảng từ 17.000 năm đến 11.000 năm cách ngày nay.
Hang Khoài cao 5m so với mặt ruộng xung quanh, cửa hang quay về hướng Đông Nam trông ra thung lũng, cách suối Xia chứng 200m về phía Đông Bắc. Suối Xia là dòng suối chính chạy dọc theo thung lũng Xăn Khoè. Hai bên thung lũng là những dẫy núi đá vôi xen lẫn những thủa ruộng bậc thang của đồg bào Thái và Việt lên đây khai phá.
Hang Khoài có diện tích 180m2 với hai cửa thông nhau qua một hành làng hẹp. Lòng hang rộng 24m. Ăn sâu từ cửa vào vách 12m. Trần cao 8m. Nền hang cao ở phía vách hang và thấp dần ra phía cửa. Nhiều nơi đã bị đào phá lấy đi một phần lớp văn hoá. Những khu vực gần vách hang còn nguyên vẹn.
Di chỉ hang Khoài ở vào vị trí hết sức thuận lợi đối với cuộc sống của cư dân tiền sử. Hang Khoài không những rộng rãi mà còn có hướng cửa thích hợp: Hướng Đông - nam mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hang Khoài nằm lọt vào thung lũng núi đá vôi có quần thể động vật và thực vật phong phú, gần suối với nguồn nước, nguồn nguyên liệu và nguồn thức ăn thuỷ sản dồi dào. Với địa hình thung lũng trước núi, thiên nhiên đã cho phép cư dân nguyên thuỷ nơi đây định cư lâu dài. Tổ hợp di vật hang Khoài xác nhận đây không chỉ là di tích cư trú mà còn là công xưởng chế tác công cụ. Với sự có mặt của đa phần các mảnh vỡ phế liệu.
Nguyên liệu dùng để chế tác công cụ ở hang Khoài là đá cuội sông, có độ bào mòn cao, mặt ngoài nhẵn. Đa số có chu tuyến hình ô van. Phần lớn cuội thuộc loại Quarzite và Poocpirite. Kích thước hòn cuội nhỏ. Không thấy loại cuội có kích thước lớn như những tiêu bản trong văn hoá Sơn Vi và Hoà bình. Bề mặt cuội có màu vàng đậm, hoặc xanh đen. Những loại cuội như miêu tả trên hiện vẫn gặp ở suối Xia, song trữ lượng rất thấp.
Ngoài ra, còn có sa thạch. Đó là những tảng sa thạch lớn có đường kính 40cm, dày trên 10cm thường được sử dụng làm bàn nghiền.
Ngoài những nguyên liệu trên, ở hang Khoài chưa gặp công cụ xương và sừng tre, gỗ.
Tầng văn hoá hang Khoài dày 0,7m; nơi dày nhất là 1,1m; nơi mỏng nhất 0,5m. Những nơi tầng văn hoá còn nguyên vẹn thường dày, những nơi bị phá huỷ thì mỏng.
Tầng văn hoá di chỉ hang Khoài cấu tạo từ loại đất sét vôi phong hoá. Màu sắc và độ kết vón của đất tầng văn hoá cũng như đặc điểm di vật động vật, di vật đá đã xác nhận tồn tại hai mức phát triển sớm, muộn của tiền sử hang Khoài. Mức dưới hay giai đoạn sớm mang sắc thái văn hoá Sơn Vi, giai đoạn sau mang sắc thái văn hoá Hoà Bình.
- Mức dưới: Dày trung bình 0,4m; đất mầu nâu, độ kết vón cao, độ kết của đất chặt, rất ít ốc, chỉ thấy ốc suối, độ bảo tồn vỏ ốc yấu đã bong hết vỏ ngoài. Đất bị Laterite hoá cao hơn mức trên. Chủ yếu gặp công cụ ghè đẽo thô kiểu Sơn Vi, sương răng động vật hoá thạch.
- Mức trên: Dày trung bình 0,3m; đất màu nâu nhạt, bở rời, độ kết vón yếu. Mức Laterite hoá yếu hơn mức dưới. Chủ yếu gặp công cụ kiểu Hoà Bình và độc tôn di vật không hoá thạch, mức bảo tồn vở ốc tốt hơn mức dưới.
Di chỉ hang Khoài còn cho chúng ta biết thêm một mảng màu về táng thức của cư dân Hoà Bình và các cư dân giai đoạn muộn. Việc đặt mộ táng trong nơi cư trú là hiện tượng thường thấy ở cư dân Hoà Bình. Có điều ở đây, cư dân giai đoạn muộn có thể thuộc thời đại đồng thau tương đồng với văn hoá Phùng Nguyên, Hạ Long đã đặt mộ táng trong hang mà không để lại đó dấu tích cư trú của họ.
Mộ táng tìm thấy ở di tích hang Khoài gồm có 4 mộ. Trong đó mộ số 2 có niên đại muộn hơn bộ di vật của di tích.
+ Mộ số 2: Có huyệt hình chữ nhật dài 1,5m; rộng 0,6m; đáy mộ ở độ sâu 0,6m so với bề mặt hang. Mộ nằm ở ô 6C, 6D và chớm sang các ô xung quanh. Thi hài được chôn nằm thẳng, nằm ngửa mặt, đầu hướng đông, các chi đặt dọc theo vách mộ. Không có đồ tuỳ táng. Hộp sọ được bảo tồn tương đối tốt.
Mộ số 2 này nằm bên dưới các mộ khác bắt đầu từ tầng văn hoá, nên tạm xác định có niên đại cổ xưa hơn các mộ khác.
+ Mộ số 1: Có hình huyệt mộ hình chữ nhật, dài 1,54m; rộng 0,4m; sâu 0,6m. Miệng huyệt gặp ngay sau lớp đất mặt. Trong huyệt chỉ gặp 1 hàm dưới, vài chiếc răng rời. Đáng lưu ý rằng ở đây ốc núi được chôn thành hai hàng theo chiều dài huyệt mộ. Đồ tuỳ táng có gốm văn thừng.
+ Mộ số 3: Chôn hai trẻ em, huyệt hình gần tròn, đường kính khoảng 0,8m, chôn đè lên phía chân của mộ số 2. Trong mộ có 2 sọ nhỏ, thành sọ mỏng và dập vỡ, bên cạnh sọ có đồ tuỳ táng như hạt chuỗi đá, vòng tay đá, vòng xương nhỏ. Ốc biển có vết mài xuyên lỗ và gốm văn thừng.
+ Mộ số 4: Chôn một trẻ em, theo thế nằm thẳng, trong huyệt hình chữ nhật dài 1,2m; rộng 0,5m. Xương sọ và xương chi đều dập vỡ. Ở phần xương trán phía trên ở mắt phải có một lỗ thủng tròn đường kính 1,5m, có thể đây là vết thủng của chủ nhân trước khi chết. Đồ tuỳ táng gặp hàng trăm vòng xương nhỏ và một vài vỏ ốc biển có vết mài.
Hang Khoài là di tích khảo cổ quan trọng, có giá trị cao trong công tác nghiên cứu và thăm quan về một nền văn hoá tiền sử nổi tiếng: “Văn hoá Hoà Bình”. Ngoài ra, đến hang Khoài thăm quan còn có thể ghé qua các di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng khác của huyện Mai Châu, tiếp xúc với văn hoá dân tộc Thái vùng Tây Bắc, với những bản làng trù phú, mang đậm cấu trúc Thái như Bản Văn, bản Lác, Mường Hịch… và một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời của thung lũng Mai Châu.
Hiện vật
Bản đồ
Địa điểm xung quanh