Xóm Hịch 2, Xã Mai Hịch
Xã Mai Hịch, H. Mai Châu, Hoà Bình
Giới thiệu
Mai Hịch có lẽ là cái tên không mấy quen thuộc đối với nhiều người nhưng là một điểm du lịch khá hot trong thời gian gần đây với khung cảnh yên bình, hoang sơ, khí hậu trong lành, chiêm ngưỡng những cánh đồng ruộng bậc thang lúa xanh mướt như ngọc. Xã Mai Hịch (Mai Châu) là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua. Xóm Hịch 2 nằm trong thung lũng Mai Châu, là một xóm nhỏ của xã Mai Hịch cách bản Lác hơn 10km và còn khá nguyên sơ. Nơi đây hội tụ đủ sông suối, núi non vừa hùng vĩ vừa yên bình, thơ mộng. Mai Hịch mang nét đẹp văn hóa của người Thái từ cảnh sắc tới các món ăn đặc trưng và nét đẹp truyền thống. Đến với mảnh đất tươi đẹp này, du khách không chỉ được hoà mình vào thiên nhiên trong lành, phong cảnh nên thơ, trữ tình mà còn được thưởng thức những nét đặc sắc từ ẩm thực, trang phục, cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái.
Mai Châu mùa nào cũng đẹp theo một cách rất riêng.Khí hậu ở Mai Châu luôn ôn hòa và dễ chịu, vì thế bạn có thể du lịch Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng để cảm nhận được vẻ đẹp lung linh của thung lũng này bạn nên đến đây vào những ngày đầu hè khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, đây cũng là điểm nghỉ mát lý tưởng để tránh cái nóng oi bức của mùa hè ở miền Bắc.
Vào mùa lúa chiêm, Mai Châu đẹp thơ mộng với những cánh đồng lúa bao la chuyển sắc vàng. Cùng với ruộng bậc thang trải dài đủ màu sắc từ xanh non, xanh đậm tới vàng cháy như dải lụa, khiến du khách có đi bộ đến bao lâu cũng không mỏi chân và ngắm nhìn không biết chán.
Xóm Hịch 2 có tổng diện tích: 339,26 ha; 156 hộ; 778 khẩu, dân tộc Thái chiếm đa số. Thời gian qua, chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện để các hộ tham gia phát triển du lịch. Đồng thời, hoạt động dịch vụ, du lịch đã giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của địa phương như múa hát, ẩm thực, nếp nhà sàn, cuộc sống lao động của những con người mộc mạc, chân chất, góp phần trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Thái. Xóm Hịch 2 được du khách gần xa biết đến với phong cảnh nên thơ, trữ tình, nhiều nếp nhà sàn truyền thống với 12 hộ kinh doanh homestay… Ngoài dịch vụ lưu trú, các hoạt động khác cũng dần hoạt động trở lại như đi bộ, leo núi, thám hiểm hang đá, đạp xe quanh các con đèo, lội suối bắt cá… đem đến nhiều trải nghiệm thú vị. Không chỉ vậy, những món ăn dân dã đậm đà hương vị bên nếp nhà sàn, thưởng thức rượu quê, điệu múa xòe của các cô gái Thái là những dư vị khó phai đối với du khách. Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm, lao động cùng người dân như trồng ngô, nuôi gà, bắt cá… tạo nét bình dị, gần gũi của làng quê ít nơi nào có được.
Truyện cổ của người Thái ở đây kể rằng: xưa kia, người Thái còn chưa biết làm nhà, một hôm có người mơ thấy có con rùa về báo mộng và bảo rằng: “nhìn vào hình dáng của tôi mà làm”. Thế là một kiểu nhà của người Thái hình thành với 4 chân là 4 cột trụ, vảy rùa là ngói lợp. Từ đó ngôi nhà sàn của người Thái có hình dáng như chiếc mai rùa. Nhà thường nằm trên mặt bằng hình chữ nhật, có lan can chạy trước hoặc xung quanh nhà với 4 mái vươn cao đều đặn.
Thiết kế nhà sàn của người Thái luôn có hai cầu thang: một dành cho nữ, một dành cho nam. Số gian nhà nhiều hay ít tùy từng gia đình, nhưng bắt buộc phải là số lẻ. Người Thái thích con số lẻ bởi họ quan niệm số chẵn là số “chết”, số lẻ mới là số của sự phát triển.
Do có sự khác biệt về vị trí địa lí và việc tiếp thu, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về kiến trúc nhà ở giữa các dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn, nên nhà sàn ở từng vùng cũng có sự biến tấu trong một số chi tiết kiến trúc.
Chẳng hạn như ở Tây Bắc, nhà sàn của người Thái đen có kết cấu dạng mai rùa và thường trang trí ở hai đầu hồi của nóc nhà đôi khau cút. Các khau cút này về sau được cách điệu hóa thành nhiều kiểu dạng, với tên gọi khác nhau.Trong khi đó, nhà sàn của người Thái trắng là nhà kiểu 4 mái và không có khau cút. Ở miền núi Thanh Hóa, nhà sàn của người Thái phổ biến là dạng nhà 4 mái (2 mái chính và 2 chái) và hầu hết không trang trí khau cút. Cũng có một số vùng, hai đầu hồi nhà được trang trí bằng cách đan các tấm phên đè lên phần nóc. Người ta gọi đó là đầu mèo (hủa meo) hay vòi voi (huống chạng).
Bản đồ
Địa điểm xung quanh