![](/themes/maichau360/images/background-index.jpg)
Bản Lác, Xã Chiềng Châu
Xã Chiềng Châu, H. Mai Châu, Hoà Bình
Giới thiệu
Giữa khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ có một bản làng mộc mạc, nhỏ xinh khiến bất kỳ ai đến với Mai Châu, Hòa Bình cũng nhất định phải ghé thăm. Đó chính là bản Lác đầy cuốn hút với những nếp nhà sàn đơn sơ, những con suối trong vắt, những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu với những người dân thân thiện và bản sắc văn hóa riêng.
Bản Lác thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 140km, bản Lác nằm ẩn mình trong thung lũng, được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp và những màn sương bao phủ đầy mờ ảo. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Trải qua lịch sử hình thành hơn 700 năm, ngày nay bản Lác trở thành biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái trắng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Đến với bản Lác, du khách như được bước vào một thế giới nhỏ yên bìnhvới nhữngngôi nhà sàn vững chãi mà mộc mạc, đơn sơ nhưng lại rất đỗi gần gũi, quen thuộc. Trước đây, khi bản Lác còn chưa được biết đến rộng rãi, người dân ở đây không hề biết đến các hoạt động dịch vụ du lịch. Họ chủ yếu đều thuộc 5 dòng họ của người dân tộc Thái: Hà, Vì, Mạc, Lộc, Lò, sống chủ yếu nhờ vào các hoạt động trồng lúa, lên nương, chăn nuôi và dệt thổ cẩm. Về sau, khi vẻ đẹp của bản Lác - Mai Châu được người ta phát hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, lượng khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều. Người dân nơi đây bắt đầu biết đến việc kinh doanh thông qua việc sửa nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon, thành lập các đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay, thú nhồi bông và những chiếc túi, ví xinh xắn. Không chịu thua kém chị em, đàn ông trong bản cũng “vào cuộc”. Họ chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre,... để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Cứ thế, ngày qua ngày, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch đã hình thành rõ rệt ở bản và loại hình du lịch homestay- sống trong chính ngôi nhà của người dân cũng dần được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.
Điểm nổi bật trong phát triển du lịch cộng đồng ở Bản chính là việc người dân nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc Thái giữa cuộc sống hiện đại, xô bồ. Họ có lối sống đặc trưng riêng mang đậm tính cộng đồng, tập quán canh tác, trang phục truyền thống và nhất là nét độc đáo trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang giá trị thuần khiết và là tinh hoa của người dân tộc Thái nơi đây. Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm ưng ý, những người phụ nữ đã bắt đầu bằng việc trồng dâu, nuôi tằm để cho ra sợi bông và sợi tơ tằm mềm mại. Sau khi trải qua nhiều công đoạn sơ chế, sợi tơ sẽ được nhuộm màu bằng các loại lá cây tự nhiên rồi được đưa vào khung cửi và dệt theo các hình như dệt kết hoa, dệt quả chám, dệt hình hay dệt trơn tùy thuộc vào ý tưởng của người dệt. Từ năm 2020 đến nay, nhều sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm đã được công nhận cấp chứng chỉ tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, đây là điểm tựa thuận lợi để chị em trong bản tiếp tục gìn giữ, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đặc biệt, từ năm 2010, Lễ hội Xên Mường của người Thái nơi đây đã được phục dựng thành công và duy trì vào mồng 9, mồng 10 tháng giêng hàng năm đã trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Hiện nay, bản Lác có 125 hộ với 533 nhân khẩu được chia làm 3 tổ liên gia tự quản. Cả bản có 81 hộ làm du lịch với homestay rộng rãi, thoáng mát để làm dịch vụ, phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch. Nhà sàn ở đây đều là loại nhà sàn cao ráo, cách mặt đất chừng 2m được chống đỡ bằng những cột gỗ vững chắc. Mái nhà được lợp bằng lá gianh, lá cọ. Các cửa sổ có kích thước lớn, vừa đón được gió mát vừa là nơi thoáng đãng để treo các giỏ hoa phong lan trang trí cho ngôi nhà. Ngày nay, các nhà sàn dùng vào việc kinh doanh du lịch đã được cải tiến nhiều về nguyên liệu xây dựng cũng như luôn được trang bị khá đầy đủ các tiện nghi, nhưng đa phần vẫn giữ được kiến trúc cổ với vẻ đẹp chân phương và mộc mạc nguyên thủy của nó.
Đường xá quanh bản đều sạch sẽ, khang trang, cảnh quan cũng được giữ gìn sạch sẽ, đa phần cũng là bởi ý thức của người dân bản cũng như của khách tham quan du lịch bản. Quanh bản là những cánh đồng lúa trải dài tít tắp một màu xanh mướt đến ngợp trời xen giữa những dòng suối nhỏ trong vắt, những đỉnh núi xa xa trùng điệp ẩn hiện trong màn sương mờ đục trong cái lạnh se se của núi rừng đại ngàn cũng chính là một trong những lí do khiến mảnh đất nơi đây trở thành một trong những địa điểm nổi bật trên bản đồ du lịch Tây Bắc.
Cùng với phong cảnh nên thơ thì tác phong phục vụ khách du lịch của người dân nơi đây từ việc phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi hay bán đồ lưu niệm cũng đều rất thân thiện và chuyên nghiệp. Tuyệt đối không có chuyện chặt chém hay lừa gạt khách du lịch, các mặt hàng ở đây được bày bán công khai với giá cả rất phải chăng. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức các đội văn nghệ để phục vụ sở thích của du khách cũng như giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhưng không phải vì chạy theo cái lợi mà người dân nơi đây lại đánh mất đi bản chất dân dã vốn có của mình. Song song với phát triển du lịch, họ vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống của dân bản. Nghề trồng lúa, lên nương, dệt thổ cẩm vẫn được duy trì.
Đặc biệt, đến với Bản Lác du khách sẽ được thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Mai Châu như cơm lam, xôi nếp nương, cá suối, lợn bản, măng chua, rau đồ, gà đồi, cá suối hấp,… bên cạnh chum rượu cần và ngắm nhìn các thiếu nữ dân tộc Thái biểu diễn các điệu múa truyền thống đầy uyển chuyển, mượt mà. Ở Bản Lác còn có một khu đất rộng có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt, giao lưu tập thể như cắm trại, thi hát karaoke. Đêm đến, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống của người Thái, đốt lửa trại, nhảy sạp, Keeng loóng với dân bản và giao lưu cùng điệu xòe Thái giao duyên đầy tình tứ.
Với không khí trong lành, người dân thân thiện, chân thành cùng nền văn hóa truyền thống độc đáo, Bản Lác trở thành điểm sáng trên du lịch Việt Nam. Việc kết hợp giữa phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc là định hướng phát triển đúng đắn, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Mai Châu trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn như Đại hội lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của huyện đã đề ra.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh